|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Lương Phong là xã có bề dày truyền thống lịch sử - văn hoá vật thể và phi vật thể, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Người dân Lương Phong lấy việc trồng cấy lúa nước làm chủ đạo. Nghề nông ra đời rất sớm ở Lương Phong, cùng với cây lúa là các loại cây rau màu như sắn, khoai, ngô, lạc, thầu dầu, mía, thuốc lào... Các thế hệ nơi đây đã tích cực khai phá đất đồi bãi, cải tạo các khu rừng hoang cây dại thành những vườn cây ăn quả, lấy gỗ, phát triển kinh tế vườn đồi. Địa bàn xã cũng là nơi giao thoa, tiếp nhận các nguồn lực kinh tế của vùng đồng bằng và miền núi vì nằm liền kề với vùng Sơn Giao (trước kia là rừng rậm có thú dữ) và Tân Yên, Yên Thế (có nguồn lâm thổ sản rất phong phú).

Cùng với trồng trọt, việc chăn nuôi, thuần dưỡng động vật, nuôi thả cá ở ao hồ cũng sớm hình thành và khá phát triển. Bên cạnh đó, người dân trong xã còn có nghề mộc, nề, đan lát, đánh đá ong, chế biến thực phẩm... góp phần đa dạng nền kinh tế, tạo nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên, các nghề đó chỉ có vai trò phụ trong đời sống kinh tế xã hội, sản phẩm làm ra chủ yếu vào lúc nông nhàn, khi dư thừa mới dùng để trao đổi, buôn bán ở các chợ quê.

Chợ Gió ở Lương Phong được hình thành khá sớm (vào khoảng thế kỷ XVI - XVII), khi đó dân cư thưa thớt nên các làng tập trung lập một chợ. Là chợ lớn trong vùng, (họp các phiên chính vào mồng 4, mồng 9... âm lịch hàng tháng), chợ Gió cùng với các chợ Thắng, Lữ, Chàng, Rừng Quanh, Dĩnh... tạo thành một hệ thống chợ họp khép kín trong tháng. Trong chợ bày bán nhiều mặt hàng nông lâm thổ sản, gia cầm, đồ gia dụng, thực phẩm, thuốc nam... từ Tân Yên, Yên Thế, Việt Yên và các xã lân cận trong huyện đưa tới. Sự hình thành của các khu chợ đã góp phần làm cho kinh tế Lương Phong phát triển, đời sống nhân dân ổn định và có sự giao lưu văn hóa - xã hội với các vùng xung quanh.

          Người dân LươngPhong coi trọng tục thờ cúng tổ tiên là nét đẹp truyền thống, thể hiện đạo lý làm người. Nhà nào cũng có bàn thờ. Kỳ giỗ chạp cụ kỵ, ông, bà, cha mẹ, tết thanh minh hàng năm là dịp các thành viên con cháu trong dòng họ quây quần họp mặt, ôn lại lịch sử dòng họ, giáo dục con cháu sống biết kính trên nhường dưới, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, biết giữ gìn và phát huy truyền thống, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Ngoài thờ cúng tổ tiên, người dân còn coi trọng tục thờ thành hoàng. Thành hoàng là danh từ chung để chỉ các vị thần được thờ chính trong các ngôi đình, miếu của các làng, giúp nước, che chở cho dân. Ngài ngự tại đình, chứng kiến đời sống sinh hoạt, bảo vệ và ban phước cho mọi người. Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng thường được thể hiện trong các lễ hội xuân hoặc Tết cổ truyền.

Lương Phong có nhiều lễ hội khá đặc sắc theo các tháng âm lịch trong năm. Trước đây hàng năm lễ hội mở vào ngày 9,10,13, 17/01 âm lịch tại làng Giữa, Sơn Quả, làng Chùa, làng Khánh ... Các trò chơi tại lễ hội là đấu vật, cướp cầu, cờ người.

Xuất phát từ coi trọng đạo hiếu, việc tang lễ của nhân dân Lương Phong được tổ chức chu đáo và tuân thủ theo luật lệ của từng làng, gồm các bước: tắm rửa cho người chết, nhập quan, phát tang, tổ chức viếng và chôn cất. Khi đưa di quan ra ngoài đồng, người dân có tục lệ “cha đưa, mẹ đón” (cha chết tất cả con cái đi sau quan tài; mẹ chết con trai đi giật lùi phía trước quan tài). Chôn cất xong tang chủ làm cơm cúng tam nhật (3 ngày), tứ cửu (49 ngày) và bách nhật (100 ngày). Sau khoảng 3 năm con cháu làm lễ kính cáo với tổ tiên rồi khai mộ, chuyển xương cốt từ quan tài vào tiểu sành, chôn sanh mộ mới, gọi là lễ cải cát (hay còn gọi là cải táng). Mỗi độ thanh minh, mỗi kỳ giỗ tết, các gia đình thường đi tạo mộ và tổ chức cúng lễ. Ngày nay thực hiện nếp sống văn hóa mới, các nghi thức cơ bản trong tục tang ma vẫn duy trì song được thực hiện đơn giản, tiết kiệm hơn, một số người sau khi chết được gia đình đưa đi điện táng (hỏa thiêu).

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,618
Tổng số trong ngày: 389
Tổng số trong tuần: 4,948
Tổng số trong tháng: 7,396
Tổng số trong năm: 88,442
Tổng số truy cập: 112,794