|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Lương Phong có nhiều đình chùa, lăng tẩm, đền miếu. Đó là các công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa tinh thần, thể hiện đời sống tâm linh tín ngưỡng và những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là nơi bàn luận công việc của làng xã và gắn kết giữa các thành viên; đồng thời cũng thể hiện tư duy thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người nghệ nhân dân gian đã tạo dựng nên các công trình kiến trúc - điêu khắc nghệ thuật đặc sắc cho quê hương, trong số đó có 1 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh.

Lăng Họ Trần:

Lăng họ Trần là công trình kiến trúc nghệ thuật chạm khắc có giá trị độc đáo, được xây dựng từ thời Lê. Giá trị chủ yếu ở đây là nghệ thuật chạm khắc đá, bởi toàn bộ công trình lăng được xây cất bằng đá ong, đá xanh. Từ nhà lăng, am nhỏ che ban thờ và tượng từng vũ sĩ, đến các hiện vật ở đây đều rất phong phú đa dạng và chứa đựng nội dung nghệ thuật rất sâu sắc. Đó là hệ thống bia đá, câu đối bằng đá, tượng các vũ sĩ bằng đá, các con vật biểu tượng cũng bằng đá. Tất cả những hiện vật này đã tạo cho công trình lăng có giá trị rất lớn về mặt nghệ thuật.

Lăng họ Trần được xây dựng từ khoảng 200 năm nay. Trong quá trình tồn tại này, Lăng họ Trần đã trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử quê hương và đất nước. Do phạm vi ảnh hưởng lớn của lăng này (tức của các danh nhân tiêu biểu của họ Trần) đối với làng xã Lương Phong, cho nên Lăng họ Trần xưa nay không phải chỉ đơn thuần là nơi tưởng niệm danh nhân của riêng một gia tộc mà thực tế hàng năm nó đã chứng kiến những sự việc trọng đại của dân thôn xã nơi này, các sự lệ, đình đám, tế lễ của địa phương không chỉ diễn ra ở chốn đình chung mà và nó còn diễn ra ở phạm vi gia tộc Trần. Điều này thể hiện tình cảm “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của bà con trong họ ngoài làng.

Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đã lan rộng đến các vùng quê của huyện Hiệp Hoà. Tại đình Câu (xã Lương Phong) kề với Lăng họ Trần, đã diễn ra một sự kiện đáng ghi nhớ: Đó là việc cụ Hoàng Hoa Thám đã có lòng công đức cho nhân dân nơi đây trong việc mua gỗ tu bổ đình Câu. Sau đó giặc Pháp đã hung hăng tràn tới nơi đây trà sát huỷ diệt dân làng. Gần một làng ở Lương Phong đã bị chúng triệt hạ trơ trụi, thảm khốc, đau thương. Nhưng riêng đối với Lăng họ Trần vẫn đứng uy nghi, trầm mặc trên đất cũ nền xưa, trong tình cảm che trở bảo vệ của bà con trong gia tộc và xóm làng, thôn xã nơi đây. Tuy vậy, chứng tích tội ác trên của thực dân Pháp vẫn còn để lại ngay trên công trình lăng mộ của họ Trần. Hai con sấu đá ở đây và một số di vật quý khác nữa đã bị hư hại và thất tán.

Từ đó đến nay, Lăng họ Trần vẫn mặc nhiên tồn tại. Đã có nhiều đoàn và cán bộ nghiên cứu về đây khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến lăng này. Cũng chính lăng này và công trình văn hoá tiêu biểu của địa phương nơi đây đã có sự đóng góp to lớn đối với sự nghiệp bảo tồn, bảo tàng chung của tỉnh Hà Bắc. Một số tượng vũ sĩ và voi đá, nghê đá ở đây đã được đưa về trưng bày giới thiệu Bảo tàng Hà Bắc.

Lăng họ Trần là nơi tưởng niệm sâu sắc đối với các danh nhân tiêu biểu của họ Trần.

  1. Hai vợ chồng vị quận công Trần Đình Ngọc.
  2. Quận công Trần Đình Miên (con cụ Ngọc).

Với những giá trị về lịch sử mà Lăng họ Trần đã được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1990.

Chùa Pháp Lôi – Nghè Chớp:

Chùa Pháp Lôỉ được xây dựng từ lâu đời, hệ thống tượng Phật cổ là sản phẩm của phong cách tạo tượng Phật thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) như vậy, ngôi chùa có từ trước thế kỷ XVIII, nhưng hiện nay công trình kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là công trình văn hóa tôn giáo của nhân dân làng Kẻ Gió, tổng Ngọc Thành, huyện Hiệp Hòa xưa, ngày nay là thôn Chớp, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà.Căn cứ vào nguồn thông tin do những người dân sở tại truyền khẩu từ đời này qua đời khác cho biết: chùa Pháp Lôi được xây dựng từ lâu đời, qua thời gian mai một, ngôi chùa không còn dáng vẻ cổ xưa, nhưng ngày nay vẫn toạ lạc trên nền đất cũ.Qua nghiên cứu khảo sát hiện trạng di tích; căn cứ những tài liệu, hiện vật có trong di tích như; bát hương, lọ hoa, cây nến, mâm bồng, hệ thống 42 pho tượng Phật cổ...cho thấy chùa Pháp Lôi là một ngôi chùa cổ. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, vươn mình cùng thời gian ngôi chùa đã nhiều lần được nhân dân trùng tu, tu sửa lại.Căn cứ vào bộ khung chịu lực và liên kết kiến trúc gỗ và cách tạo dựng cho biết chùa Pháp Lôi được xây dựng mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX); Căn cứ vào các cổ vật và nguồn di dản Hán Nôm thì chưa có tài liệu nào nói về niên đại chính xác năm xây dựng chùa.Dòng chữ Hán trên thượng lương cho biết: "Nguyễn hoàng Khải Định bát niên, tuế thứ Quý Hợi, mạnh đông, trung hoán, nhị thập nhật, Mậu Thìn hoàng đạo thời thụ trụ thượng lương đại cát xương". Tức vào giờ hoàng đạo Mâu Thìn, ngày 20 giữa tháng 10 năm Quý Hợi, triều vua Nguyễn niên hiệu Khải Định thứ 8 (năm 1923) dựng thượng lương.Căn cứ vào dòng niên đại trên bức đại tự “Pháp Lôi Thiền Tự’" đắp nổi trôn nóc chùa được biết năm 1996, ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa hệ mái...Từ những năm 2000 trở lại đây, nhân dân địa phương tu sửa thay thế một số cấu kiện kiến trúc như thay cột, lát nền, mua sắm một số đồ thờ tự mởi... tạo cảnh quan của ngôi chùa thêm khang trang, tố hảo như hiện nay.

Nghè chớp là công trình kiến trúc được xây dựng từ lâu đời, hệ thống đồ thờ cổ đa phần có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII), nhưng hiện nay công trình kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là công trình văn hoá tín ngưỡng của nhân dân làng Kẻ Gió, tổng Ngọc Thành, huyện Hiệp Hòa xưa, ngày nay là thôn Chớp, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà. Phần hậu cung của ngôi nghè là công trình kiến trúc cổ. Nhìn trung, từ khi được khởi dựng cho đến ngày nay nghè Chớp cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng, nhân dân chỉ sửa chữa và trùng tu một số lần vào các năm:Năm 1928, nhân dân đại trùng tu nghè Chớp, cải tạo phần tiến tế, tạo dáng vẻ như hiện nay.Từ những năm 2000 trở lại đây, nhân dân địa phượng tu sửa thay thế một số cấu kiện kiến trúc như lát nền, mua sắm một số đồ thờ tự mới...tạo cảnh 1, quan của ngôi nghè thêm khang trang, tố hảo.

Nghè Chớp thờ thành hoàng là Cao sơn - Quý Minh đại vương làm thành hoàng làng. Căn cứ nội dung văn tự Hán - Nôm ghi trên bài vị, căn cứ nội dung văn tế hiện còn lưu giữ tại nghè, theo tư liệu dân gian do địa phương truyền khẩu từ lâu đờỉ được biết: Cao Sơn - Quý Minh: còn có tên gọi là Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển, quê ở Ái Châu. Hai vị vốn là anh em sinh đôi và là anh em họ vớị Nguyễn Tuấn (tức Thần núi Tản Viên Sơn Thánh). Hai ông đã có công giúp Vua Hùng thứ 18 (thời vua Hùng Duệ Vương) dẹp giặc giữ nước.

Chùa Non Xuân:

Non Xuân là ngôi chùa cổ được xây dựng từ lâu đời. Ngôi chùa được xây dựng đê thờ Phật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tôn giáo của nhân dân địa phương từ bao đời nay. Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý, đặc biệt là nguồn tư liệu Hán - Nôm trên bia đá. Nguồn tư liệu khoa học này là cứ liệu lịch sử quan trọng cho biết lịch sử xây dựng chùa Non Xuân.

Tấm  bia đá được tạo vào tháng 10 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4 thời Lê Trung Hưng(1738) có nội dung ghi tên những người công đức xây dựng và tu sửa chùa Non Xuân: Mọi người trong thôn Chấp Pháp, xã Lương Phong, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà đồng tình xin được khắc dựng bia đá để lưu truyền công lao cha Hiệu úy Thông thọ hầu Trần Khắc Thông tự Pháp Nghiêm hiệu Quảng Đức  đã cùng vợ và các con cháu hưng công xây dựng thượng diện và thiêu hương chùa Khánh. Nội dung văn bia tuy chưa nói cụ the đến năm xây dựng chùa, song ta có thể đoán định được chùa Non Xuân được xây dựng từ trước năm 1738. Bởi có chùa rồi mới có việc lập bia hậu Phật .Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng cho biết: vị trí chùa hiện nay nằm cách chùa cũ khoảng 300m về phía Nam. Chùa cũ chuyển ra địa điểm ngày nay lừ bao giờ các cụ không con nhớ và cũng chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép lạỉ. Trải qua thời gian dài, ngôi chùa đã được nhân dân địa phương tu sửa nhiều lần thêm phần khang trang tố hảo. Năm 1994, dân làng tu sưu chùa thay hoành, rui va nối các đẩu cột, thay toàn bộ hệ thống ngói. Năm 2005, nhan dân cùng nhau hưng công thay hệ thống hoành ở tiền đường, lợp lại ngói, chát lạì toàn bộ tường, đắp lại các bệ tượng, sử lý các cột bị tiêu tâm lát lại nền sửa phần cửa và nền nhà Mẫu.

Chùa Linh Sơn:

Chùa Linh Sơn thuộc xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 xã Lương Phong bao gồm hai xã là xã Sơn Quả và xã Lương Phong thuộc tổng Ngọc Thành, huyện Hiệp Hòa. Sau Cách mạng gọi là xã Tiên Phong. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đổi tên gọi là xã Lương Phong, thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc. Năm 1997, tỉnh Hà Bắc tách làm hai tỉnh là tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh, khi đó chùa Linh Sơn thuộc xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Chùa Linh Sơn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo chung của ba thôn; Thôn Chùa, thôn Giữa và thôn Đông. Căn cứ vào lời kể của các cụ cao niên trong thôn; Căn cứ vào hiện trạng di tích cùng những tư liệu văn hóa, hiện vật có liên quan đến di tích được biết: Ngôi chùa có lịch sử xây dựng từ lâu đời, được mở rộng thêm ở thời Nguyễn (thế kỷ XX) và các giai đoạn về sau này. Trải qua thời gian cùng những diễn biến thăng trầm của lịch sử dân tộc, đồng thời đã qua một số lần tu bổ, tổn tạo nhưng ngôi chùa vẫn bảo lưu được nhiều giá trị, hiện vật quý: Chùa Linh Sơn hiện còn lưu giữ được tòa tam quan và tòa thượng điện với bộ khung kiến trúc bằng gỗ lim chắc khỏe.

Chùa Linh Sơn có bình đồ kiến trúc kiểu “tiền nhất hậu đinh”, gồm tam quan 3 gian 2 chái, tòa tiền đường 3 gian 2 chái nối với tòa thượng điện 3 gian.

Trong chùa hiện còn bảo lưu được 38 pho tượng thờ được tạo tác bằng chất liệu gỗ và đất. Đa phần các pho tượng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX). Ngoài ra, ngôi chùa cũng lưu giữ được một số hiện vật có niên đại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX như: 01 cây hương đá niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730), 01 cây hương đá niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), 02 bát hương gốm Phù Lãng (thế kỷ XIX), bộ tam sự đồng (lư hương, cây nến, hạc thờ), mâm bồng gỗ (thế kỷ XX)... Đây là những hiện vật quý giúp cho công tác nghiên cứu về lịch sử của di tích cũng như phong tục tập quán ở địa phương một thời đã qua.

Ngôi chùa được xây dựng ở nơi có cảnh quan không gian đẹp, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo và là một trong những nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân trong vùng. Hội lệ hằng năm được tổ chức vào ngày 18 tháng Giêng. Trong ngày hội, ngoài nghi thức dâng hương lễ Phật, nhân dân còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Cờ tướng, chọi gà, hát Quan họ... Ngoài ra còn tổ chức một số môn thế thao: Bóng đá, cầu lông... lôi cuốn các tầng lớp nhân dân cùng du khách tham gia.

Căn cứ vào giá trị cơ bản của di tích như đã trình bày; căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 29, Mục 1, Chương IV của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tiêu chí để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa; Chùa Linh Sơn đã được xếp hạng: Di tích Lịch sử - Văn hóa.

Đình Thượng:

Đình Thượng thuộc xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, xã Lương Phong bao gồm hai xã là xã Sơn Quả và xã Lương Phong thuộc tổng Ngọc Thành, huyện Hiệp Hoà. Sau Cách mạng gọi là xã Tiên Phong. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp lại đổi tên gọi là xã Lương Phong, thuộc huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Đến năm 1963 xã Lương Phong thuộc huyện Hiệp Hoà, tỉnh Hà Bắc. Năm 1997, tỉnh Hà Bắc tách làm hai tỉnh là tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, khi đó đình Thượng thuộc xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Xã Lương Phong ngày nay gồm có 9 thôn, 18 xóm, trong đó Đình Thượng là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng chung của 10 xóm. Đình Thượng nằm ở trung tâm của xóm Thượng

Theo lời kể của các bậc phụ lão ở địa phương cho biết: Đình Thượng xưa được xây dựng có quy mô nhỏ gọn hơn đình ngày nay. Đình Thượng từ khi được xây dựng vẫn toạ lạc ở vị trí như ngày nay. Đình Thượng khi đó có khá nhiều các tài liệu, hiện vật quý như kiệu rước, đồ bát bửu, ngai thờ được chạm khắc đề tài rồng đẹp, kỹ thuật chạm tinh sảo, đường nét sắc nhọn. Trải qua thời gian mưa nắng cũng như sự tàn phá của chiến tranh, đình Thượng đã qua nhiều đợt tu sửa lớn nhỏ, một số hiện vật bị thất lạc, nay còn lưu giữ được một số hiện vật gốc có giá trị nghiên cứu lịch sử, văn hoá, mỹ thuật như sắc phong, giá văn, bát hương Phù Lãng.. .Đình Thượng nay được nhân dân địa phương góp công, góp sức tu sửa ngày một khang trang, to đẹp hơn. Năm 1995, đình Thượng được mở rộng thêm hai chái, với bốn mái đao cong. Phần sân phía trước cũng được lát gạch sạch sẽ. cổng đình được xây dựng mới theo dạng chồng diêm tám mái đao cong vào năm 2007. Phần mái liên tục được đảo ngói theo định kỳ tránh nước mưa lọt vào trong gây ảnh hưởng tới di tích và các đồ thờ tự có trong di tích.

Theo nội dung thần tích bằng chữ Hán còn lưu giữ được ở đình Thượng và hai đạo sắc phong có niên đại Khải Định thứ (1917) và Khải Định thứ 2 (1924) cho biết, đình Thượng là nơi thờ thần Bạch Cước Tiêu Sơn và đức thánh Cao Sơn - Quý Minh đại vương.

Căn cứ vào các di vật, cổ vật còn lưu giữ được ở trong di tích đình Thượng như sắc phong có niên đại Khải Định thứ 2 (1917) và Khải Định thứ 9 (1924), hệ thống bát hương sành Phù Lãng được trang trí đề tài rồng, hổ phù đẹp, ngai thờ, giá văn, đài thờ.. ..được biết đình Thượng là công trình tín ngưỡng được xây dựng từ thời Nguyễn. Đây là những hiện vật gốc có giá trị nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, mỹ thuật của di tích cũng như giúp cho những ai muốn tìm hiểu về cội nguồn văn hoá truyền thống của địa phương.

Hàng năm, lệ hội đình Thượng được tổ chức vào hai dịp Xuân-Thu nhị kỳ: Ngày mùng 8, 9, 10 tháng Giêng âm lịch; ngày 9 tháng 9 âm lịch. Trong ngày lễ hội tháng Giêng có tổ chức các trò chơi dân gian độc đáo như đấu vật, chọi gà, giao lưu văn nghệ....

Như vậy, qua tìm hiểu về lịch sử cũng như các hiện vật còn lưu giữ ở đình, cho thấy đình Thượng là một di tích mang đậm giá trị lịch sử, văn hoá. Căn cứ vào những giá trị đã nêu trên đình Thượng được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá.

Chùa Thượng Quang:

Chùa Thượng Quang thuộc xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, xã Lương Phong bao gồm hai xã là xã Sơn Quả và xã Lương Phong thuộc tổng Ngọc Thành, huyện Hiệp Hoà. Sau Cách mạng gọi là xã Tiên Phong. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đổi tên gọi là xã Lương Phong, thuộc huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.

Chùa Thượng Quang là công trình tôn giáo được xây dựng từ lâu đời và từ khi khỏi dựng cho tới nay vẫn toạ lạc trên vị trí như ngày nay. Theo các cụ cao niên ở địa phương được biết: Chùa Thượng Quang xưa được xây dựng có quy mô nhỏ gọn hơn chùa ngày nay gồm 3 gian hình chữ nhất. Căn cứ vào các hiện vật, đặc biệt là pho tượng hậu còn thờ ở trong chùa cho biết, chùa Thượng Quang xưa được các gia đình giàu có cung tiến tiền bạc, ruộng đất cho bản chùa để tu sửa chùa. Ruộng đất cấy lúa lấy thóc lo sự lệ của chùa hàng năm. Do vậy, nay trong chùa còn lưu giữ được hai pho tượng Hậu. Đây chính là những người khi xưa đã có công lớn đối với bản chùa và nhân dân địa phương. Khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công sang đầu năm 1946, chùa Thượng Quang là địa điểm bầu cử HĐND cấp xã. Từ đó đến nay chùa Thượng Quang liên tục là địa điểm bầu cử HĐND cấp xã (địa điểm bầu cử số 10 của xã)

Năm 1950, thực dân Pháp mở cuộc càn quét từ bốt Mỏ Thổ (Việt Yên) lên khu vực xã Lương Phong, chúng giết người, cướp của, đốt phá nhà cửa và các công trình tín ngưỡng, tôn giáo. Chùa Thượng Quang khi đó là nơi trú ẩn của đông đảo lực lượng du kích địa phương, bọn Pháp phát hiện và đã đốt phá chùa làm hư hỏng, cháy mất nhiều hiện vật. Ngay sau năm 1951, nhân dân địa phương đã góp công, góp sức vào tu sửa lại chùa khang trang, đẹp đẽ hơn. Năm 1995, chùa Thượng Quang bị hư hỏng một số cấu kiện kiến trúc được nhân dân tôn tạo, gia cố lại chắc chắn. Năm 2002, chùa Thượng Quang được tu sửa mở rộng thêm hai gian toà tiền đường và hai gian toà thượng điện.

Chùa Thượng Quang là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo, đây là nơi thờ Phật đồng thời là nơi thờ những người đã có công đóng góp cho chùa và nhân dân nơi đây trong việc xây dựng, tu sửa chùa. Vì vậy những người có công đã được thờ ở trong chùa mà cụ thể ở chùa Thượng Quang nay còn giữ được hai pho tượng Hậu. Khi xưa những người này đã bỏ tiền bạc và ruộng đất cho nhà chùa nên được mua Hậu và thờ ở chùa. Hàng năm có cúng giỗ theo nghi lễ tập tục của địa phương.

Đền Tam Đông Vọng:

Đền thờ Tam Đông Vọng là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của ba thôn Chùa, Giữa và thôn Đông, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa. Ngôi đền là nơi thờ phụng thần Tri Nông trong tín ngưỡng nông nghiệp của người dân địa phương. Đền Tam Đông Vọng tọa lạc ở trung tâm thôn Chùa, xã Lương Phong. Trước Cách mạng tháng Tám, địa danh này là xã Thiện Mỹ, tổng Ngọc Thành, huyện Hiệp Hòa, nguyên thuộc tổng Đông Lỗ, huyện Việt Yên được sáp nhập vào tổng Ngọc Thành, huyện Hiệp Hòa từ 11. 5. 1917. Sau Cách mạng Tháng Tám thuộc xã Lương Phong và tồn tại đến nay. Nay đền thờ Tam Đông Vọng, thuộc xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Đền thờ Tam Đông Vọng là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của ba thôn Chùa, Giữa và thôn Đông, xã Lương Phong. Ngôi đền được xây dựng từ lâu đời đến thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX được tu sửa mở rộng thêm. Căn cứ vào hiện trạng di tích cùng những tư liệu văn hóa dân gian xung quanh có liên quan tới di tích cho biết: Ngôi đền xưa chỉ có bốn cột tre đơn giản, trên có che một cái nong còn gọi là Nghè Nong. Nghè Nong có gắn với câu chuyện truyền thuyết về một cặp vợ chồng đi bán cá con ngủ trưa tại rừng lim, địa danh Đền Tam Đông Vọng hiện nay xưa là rừng lim. Trời đất hanh khô, hạn hán kéo dài, nhân dân đói khổ, trong giấc ngủ trưa vợ trồng ông bán cá con được thần linh báo mộng nếu cùng với nhân dân lập đền tôn bát hương cầu đảo thì trời sẽ cho mưa thuận gió hòa. Dân làng cùng vợ chồng ông bán cá chôn bốn cột tre lợp mái bằng một cái nong tôn bát hương làm lễ cầu đảo, cầu đảo xong trên trời xuất hiện rồng phun nước chan hòa khắp đồng điền trang ấp nơi đây đều có nước, nhân dân được no ấm, hạnh phúc. Từ đó dân làng thờ cúng thần linh, thần rồng phun nước, sau còn phối thờ vợ chồng ông bán cá tại nghè Nong. Nhân dân vẫn gọi là thần Tri Nông đến năm Khải Định thứ 2 đời vua Nguyễn Hoằng Tông (1917) có sắc phong cho 3 thôn: Thôn Giữa, thôn Đông, thôn Chùa, xã Thiện Mỹ, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phụng thờ: Tri Nông tôn Thần. Thần đã có công giúp nước, che chở muôn dân, vô cùng linh ứng và ban tặng thêm mỹ tự cho Thần là: Quang ý dực bảo trung hưng Trung đẳng Thần. Đến năm Khải Định thứ 9 (1924) đời vua Nguyễn Hoằng Tông lại có sắc phong cho xã Thiện Mỹ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang theo lệ cũ phụng thờ: Tri Nông Đại Thần, vốn được ban tặng mỹ tự: Quang ý dực bảo trung hưng Trung đẳng Thần. Thần đã có công giúp nước, che chở muôn dân, vô cùng linh ứng, tặng thêm mỹ tự cho Thần là: Trác vĩ Thượng đẳng Thần.

Đền Tam Đông Vọng là một trong số ít ngôi đền thờ nhiên thần gắn với tín ngưỡng nông nghiệp ở Bắc Giang. Đây là nét văn hóa độc đáo khẳng định bản săc văn hóa riêng vùng miền trong nét văn hóa đặc sắc chung của dân tộc. Ngôi Đền là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hội lệ tổ chức ngày 10 tháng 10 âm lịch với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong các ngày sự lệ hoặc vào những năm hạn hán nhân dân ba thôn đều tổ chức làm lễ cầu đảo tại đền cầu cho mưa thuận gió hòa.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,429
Tổng số trong ngày: 347
Tổng số trong tuần: 4,906
Tổng số trong tháng: 7,354
Tổng số trong năm: 88,400
Tổng số truy cập: 112,752